.

Lại có nạn nhân bị lừa mua đất dự án Thanh Hà-Cienco5

Xuất bản: 09:17 31/05/2012 [GMT+7]

Theo Đất Việt

Tin vào lời giới thiệu của Vân và Ngọc, một nhóm nhà đầu tư đã không ngần ngại chuyển hàng chục tỷ đồng cho 2 phụ nữ này để mua đất tại dự án Thanh Hà, Cienco 5 và sau đó mới “chết đứng” khi biết mua phải đất “ma”.


Giấy biên nhận cho thấy Nguyễn Thị Bích Ngọc và Nguyễn Bích Vân đã nhận 7 tỷ đồng tiền đặt cọc của chị Lan. Ảnh:Minh Tùng




Nguy cơ “mất trắng” hàng chục tỷ đồng

Vụ việc CTCP Đầu tư tổng hợp Hà Nội (Hanic) khởi kiện Công ty Beta BQP để đòi hơn 300 tỷ đồng trong thương vụ hợp tác đầu tư kinh doanh Dự án Thanh Hà A của Cienco5 Land vẫn đang gây xôn xao trong giới bất động sản thì mới đây một nhóm đầu tư khác lại tiếp tục gửi đơn kêu cứu, tố cáo về việc mua phải đất “ma” tại dự án Thanh Hà A với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng.

Chị Đoàn Thị Ngọc Lan, một “nạn nhân lớn” trong nhóm đầu tư này cho hay, do có quan hệ quen biết với văn phòng luật sư BizConsult (tòa nhà VNA, 20 Trần Hưng Đạo, Hà Nội), chị Lan cùng một số nhà đầu tư khác được Nguyễn Thị Bích Ngọc (số hộ chiếu N1085888 do Đại sứ quán Praha cấp ngày 20/6/2007) và Nguyễn Bích Vân, Phó giám đốc công ty luật Biz Consult giới thiệu có mối quen để mua được các lô đất của dự án đất liền kề khu Thanh Hà A do Cienco 5 làm chủ đầu tư, sau đó sẽ sắp xếp để các nhà đầu tư cá nhân ký hợp đồng với nhà đầu tư thứ cấp.

Do tin tưởng vào lời cam kết “chắc như đinh đóng cột” của Vân và Ngọc, ngày 24/2/2011, nhóm đầu tư đã không ngần ngại giao số tiền hơn 17 tỷ đồng đặt cọc cho 2 phụ nữ này ngay tại Văn phòng luật sư BizConSult để được mua các lô đất LP1, LP9, LP 11 của Thanh Hà A (trong đó, số tiền của chị Lan là 7 tỷ đồng). Nguyễn Bích Ngọc và Nguyễn Bích Vân cũng cam kết sẽ để nhóm đầu tư ký hợp đồng mua đất của nhà đầu tư thứ cấp là Hanic sau 15 ngày, nếu không sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền đặt cọc và lãi suất 18%/năm.

Tuy nhiên, quá thời hạn trên mà không được giao đất, chị Lan đi tìm hiểu và phát hiện nhiều điểm khuất tất của nhóm thể nhân Vân, Ngọc nên đòi lại tiền đặt cọc, nhưng chỉ nhận được lời hứa hẹn. Đến nay đã hơn 1 năm nhưng không được trả lại số tiền đã giao để mua đất, chị Lan và các nhà đầu tư đều đang rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn. "Tiền đầu tư chúng tôi đều phải đi vay lãi ngoài, trong khi đó bà Vân, bà Ngọc vẫn ở biệt thự, đi xe hơi tiền tỷ mà không chịu trả lại tiền cho chúng tôi", chị Lan cho biết.

Bức xúc trước thái độ trây ì của Nguyễn Bích Ngọc và Nguyễn Bích Vân, nhóm đầu tư đã nhiều lần tới tận nhà đòi nợ nhưng vẫn không có kết quả. Hiện, chị Lan và các nhà đầu tư khác đã gửi đơn tố cáo hai phụ nữ này ra cơ quan công an bởi có dấu hiệu lừa đảo nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía các cơ quan chức năng.

Bà Nguyễn Bích Vân và chồng (bên phải).


Vì sao hàng loạt nhà đầu tư “dính bẫy” Thanh Hà?

Thanh Hà là dự án khá đình đám, nổi lên như một hiện tượng của giới bất động sản vào năm 2010. Thời điếm đó, giao dịch mua bán đất dự án này vô cùng náo nhiệt. Dự án được coi như một miếng mồi béo bở cho các nhà đầu tư “lướt sóng” kiếm lời. Chính bởi vậy, đã có không ít những “nạn nhân” mắc bẫy lừa đảo, mua phải đất khống tại Thanh Hà.

Trước nhóm đầu tư của chị Lan, đã từng có hàng trăm người mắc “bấy” công ty cổ phần Xây dựng và dịch vụ 1/5 đã bán khống đất Thanh Hà- Cienco 5. Cũng lợi dụng “sức nóng” của dự án Thanh Hà, đối tượng Nguyễn Anh Quân, Giám đốc Công ty Beta-BQP đã lừa bán khống hàng trăm tỷ đồng cho các nhà đầu tư nhỏ, lẻ, Công ty cổ phần Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (Hanic) cũng là nạn nhân của Nguyễn Anh Quân với khoản nợ khó đòi gần 300 tỷ đồng từ Beta – BQP…

Một chuyên gia lâu năm trong ngành bất động sản cho rằng, sở dĩ nhiều đối tượng lợi dụng mác của dự án Thanh Hà để trục lợi và nhiều nạn nhân sập bẫy thương vụ này là do chủ đầu tư Thanh Hà Cienco 5 là một thương hiệu lớn trên thị trường. Bên cạnh đó, việc không công khai các nhà đầu tư thứ cấp của dự án cũng khiến khách hàng như bị tung hỏa mù, không biết đâu là thật đâu là giả.

“Mặc dù luật của chúng ta chưa có quy định nào bắt buộc phải công khai các nhà đầu tư thứ cấp, nhưng theo tôi, đây là việc nên làm để tránh rủi ro cho khách hàng. Đây cũng là một cách nâng cao uy tín của dự án cũng như chủ đầu tư”, chuyên gia này nhận định.

Cách đây không lâu, trao đổi với báo chí, ông Thân Lâm, Phó tổng giám đốc Cienco5 Land thừa nhận, Thanh Hà là một dự án lớn nên Cienco5 Land không có đủ vốn tự có để thực hiện và phải huy động từ một số nhà đầu tư thứ cấp. Song, việc công khai danh tính của các nhà đầu tư thứ cấp thì doanh nghiệp không thể thực hiện.

Xem thêm: "Siêu lừa" bán đất dự án Thanh Hà bị bắt / Tự sự của "lái buôn" bất động sản lãnh án 20 năm / 6000 cổ đông Hanic “ngóng” động thái từ Bộ Quốc Phòng? / Cảnh giác với rao bán dự án Tây Nam Linh Đàm

Tác giả: Minh Tùng

.