.

Bất động sản: Ai sắp chết thì cho chết hẳn?

Xuất bản: 19:00 31/12/1969 [GMT+7]

Theo DVT/ VEF

Sau thời gian phát triển quá "nóng", đầu tư ồ ạt và lãi "đậm", các doanh nghiệp bất động sản giờ nằm bất động và quay sang "cầu cứu" các cơ quan chức năng.



Ước mơ sở hữu một căn nhà vẫn quá xa xỉ với đại bộ phận người dân lao động. (Ảnh chỉ có tính minh họa. Nguồn: internet)




Tham thì thâm!

Giai đoạn 2008 - 2010 được coi là "thời hoàng kim" của thị trường bất động sản (BĐS) khi mà dự án nào tung ra thị trường cũng cháy hàng. Các chủ đầu tư đua nhau xin cấp phép. Các dự án ra đời ồ ạt còn giá chào bán tăng từng ngày. Giá bán trao tay từ nhà đầu tư này sang nhà đầu tư khác có thể cao hơn vài chục phần trăm chỉ sau vài giờ đồng hồ, thậm chí là ngay sau khi hợp đồng vừa được kí kết.

Thời điểm đó, BĐS được coi như "thiên đường" đầu tư. Giới đầu tư đua nhau đổ tiền vào thị trường này. Nhiều doanh nghiệp vốn không kinh doanh đất đai cũng bất ngờ "chuyển nghề". Các trung tâm môi giới BĐS thì mọc lên như nấm sau mưa.

Điều đáng nói là rất nhiều doanh nghiệp trong số đó đầu tư theo kiểu "tay không bắt giặc", nghĩa là không có tiền, thiếu kiến thức chuyên môn và chiến lược cụ thể nhưng vì thấy lĩnh vực này quá "béo bở" nên các ông chủ doanh nghiệp đã cầm cố, thế chấp toàn bộ tài sản, vay mượn ngân hàng, vay chợ đen và xoay sở đủ kiểu để có tiền "rót" vào đất đai.

Lợi nhuận thực sự của các công ty này là bao nhiêu thì có lẽ chỉ chính các ông chủ doanh nghiệp biết nhưng cứ nhìn vào cơn sốt xình xịch trên thị trường nhà đất Hà Nội và TPHCM thì có thể dễ dàng khẳng định đấy là những con số không hề nhỏ.

Ngay trong thời điểm đó, một số chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ bong bóng BĐS và thị trường có thể "vỡ trận" bất kì lúc nào. Tuy nhiên, giới kinh doanh địa ốc đã lờ tất cả những cảnh báo này bởi đang mờ mắt với những khoản lợi nhuận khổng lồ.

Giờ đây, khi bong bóng bất động sản vỡ, các doanh nghiệp lại dồn dập lên tiếng cầu cứu.

Nên cứu hay để "chết hẳn"?

Theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện dư nợ tín dụng cho vay BĐS khoảng 200.000 tỷ đồng, chiếm 1/10 tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Tạm chưa bàn đến việc doanh nghiệp làm thế nào để trả khoản nợ gốc này mà chỉ tính với mức lãi suất trung bình 20%/năm thì các doanh nghiệp BĐS phải trả lãi vay lên đến 40.000 tỷ đồng/năm.

Trong khi đó, các doanh nghiệp BĐS đang cầu cứu Chính phủ nới chính sách, NHNN nới tín dụng và các cơ quan hữu quan tạo điều kiện hỗ trợ để khơi thông nguồn vốn.

Tuy nhiên, kể cả trong trường hợp Chính phủ đồng thì việc lấy đâu ra 200.000 tỷ đồng để cứu các doanh nghiệp này rõ ràng là một vấn đề không hề nhỏ?

Trong khi đó, luồng ý kiến trái chiều thì cho rằng, tốt nhất nên để các doanh nghiệp BĐS yếu kém "chết hẳn" vì đây không phải "thảm họa" như chính các doanh nghiệp "dọa dẫm" mà trái lại còn là cơ hội để thị trường BĐS hồi sinh.

Các chuyên gia ủng hộ quan điểm trái chiều này lý giải: Doanh nghiệp phá sản, nhưng giấy phép xây dựng, công trình dự án, nhân công lao động vẫn còn nguyên đó và sẽ được chuyển cho một ông chủ khác có trình độ quản lý tốt hơn, có nguồn vốn vững mạnh hơn và công trình sẽ được thi công nhanh chóng hơn thay vì nằm "đắp chiếu" từ năm này sang năm khác như hiện nay.

Thêm một lý do để củng cố quan điểm không nên "cứu" các doanh nghiệp BĐS là các doanh nghiệp này liên tục kêu khó khăn nhưng vẫn giữ giá nhà đất ở mức cao ngất ngưởng tới mức kì quặc và vượt quá khả năng của đại bộ phận người dân có nhu cầu mua nhà đất thực sự.

Một trường hợp cụ thể cho thấy các doanh nghiệp BĐS đã tham lam đến thế nào là việc ông chủ Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức tuyên bố sẽ bán căn hộ với giá chỉ bằng 50% giá bán của các sản phẩm ở cùng vị trí nhưng vẫn có lãi.

Như vậy, thực chất là các doanh nghiệp đã quá tham lam nên vỡ nợ là bài học mà họ buộc phải chấp nhận vì đã khiến cả thị trường lao đao trong các cơn sốt giá giả tạo. Sau làn sóng vỡ nợ của doanh nghiệp BĐS, nhiều khả năng thị trường nhà đất sẽ đón nhận nhiều tin tốt lành hơn, đặc biệt là khả năng giá nhà đất sẽ tiến gần với nhu cầu của đại bộ phận người dân lao động hơn.

Ngân hàng - "ngư ông đắc lợi"?

Doanh nghiệp BĐS kêu cứu vì sản phẩm không có đầu ra, dự án đình trệ, không thể thi công vì thiếu vốn. Người dân lắc đầu vì giá nhà đất vẫn ở "trên trời". Duy chỉ có giới ngân hàng là "ngư ông đắc lợi" với mức lợi nhuận công bố nhiều nghìn tỷ đồng.

Thực tế thì không chỉ lời to trong cơn sốt nhà đất 2008 - 2010 khi các nhà đầu tư và doanh nghiệp đổ xô đến vay vốn mà tại thời điểm này, khi nhà đất đóng băng thì các ngân hàng vẫn ung dung ngồi thu lãi từ các khoản cho vay đã giải ngân trong thời kì "đỉnh cao" của thị trường nhà đất.

Chỉ riêng khoản lãi 40.000 tỷ đồng/năm mà các doanh nghiệp BĐS phải trả như tính toán ở trên cũng đủ để các ngân hàng sống "khỏe" dù Chính phủ thắt chặt tín dụng, hạn chế tăng trưởng hay khủng hoảng tài chính.

Thực tế, trong giai đoạn "lay lắt" hiện nay, nhiều doanh nghiệp BĐS cho biết lợi nhuận chỉ đủ trả lãi ngân hàng chứ không thể tái quay vòng vốn đầu tư dự án.

Không những thế, việc NHNN hạ trần lãi suất huy động 2 lần liên tiếp trong chưa đầy 1 tháng cũng được cho là sẽ tiếp tục "vỗ béo" giới ngân hàng vì ngân hàng huy động được vốn rẻ hơn nhưng vẫn cho các doanh nghiệp vay với mức lãi suất cao ngất ngưởng, trung bình là 20%/năm và lên tới 25% đối với các doanh nghiệp BĐS.

Vậy là, giờ đây khi nhắc đến câu chuyện về thị trường nhà đất, mối băn khoăn không chỉ nằm ở việc có nên cứu các doanh nghiệp BĐS hay không mà còn cả lợi ích nhóm mà các ngân hàng đang sở hữu.

Tác giả: Đỗ Hà

Liên kết hữu ích
.