.

Chữ “Nhẫn” cho nhà

Xuất bản: 19:00 31/12/1969 [GMT+7]

Trong văn hóa truyền thống VN, chữ Nhẫn luôn được xem trọng như là một thái độ sống, hành xử đúng đắn của người quân tử. Trong làm nhà dựng cửa cũng vậy, chữ Nhẫn thể hiện nhiều ở sự cẩn trọng, cân nhắc, biết đặt các lợi ích lâu dài về môi trường thiê

Trong văn hóa truyền thống VN, chữ Nhẫn luôn được xem trọng như là một thái độ sống, hành xử đúng đắn của người quân tử.

Trong làm nhà dựng cửa cũng vậy, chữ Nhẫn thể hiện nhiều ở sự cẩn trọng, cân nhắc, biết đặt các lợi ích lâu dài về môi trường thiên nhiên và xã hội lên trên lợi ích riêng mình. “Của bền tại người”, nhà ở có an lành và hài hòa phong thủy hay không chính nhờ vào cung cách sử dụng đúng mức gia chủ.

Nhẫn là sự nhẫn nhịn, không hơn đua tranh giành với láng giềng và môi trường chung quanh, đồng thời biết bền bỉ tạo dựng nơi ăn chốn ở một cách hài hòa, không nóng vội. Kinh nghiệm về Nhẫn trong xây dựng có khá nhiều, tập trung ở 3 giai đoạn chính: thiết kế, xây dựng và sử dụng.


Ở giai đoạn thiết kế, gia chủ cần có sự cân nhắc, tham khảo nhiều thông tin, biết rõ khả năng của mình (về nhu cầu, quy mô, túi tiền, thời gian...) để đầu tư hợp lý. Việc nóng vội trong giai đoạn này sẽ phải trả giá đắt khi xây dựng (phát sinh, đập bỏ, tốn kém và kéo dài thời gian thi công) do thiếu kiên nhẫn, không cân nhắc thấu đáo ở khâu hình thành ý tưởng. (hình 1, mô hình bố trí nội thất cần hình dung từ ban đầu).

Ở giai đoạn xây dựng, cần tránh việc thúc ép thời gian, vì về mặt kỹ thuật, có những công đoạn (như đúc bê tông, làm móng) cần đủ thời gian tiêu chuẩn để kết cấu đảm bảo bền chắc, làm nền tảng cho trang trí sau này. “Dục tốc bất đạt”, nhiều công trình kém chất lượng, xảy ra tai nạn lao động cũng vì vấn đề chạy đua tiến độ một cách thiếu khoa học.


Ở giai đoạn sử dụng, nội khí phong thủy phụ thuộc nhiều vào thái độ của gia chủ. Kinh nghiệm phong thủy truyền thống và hiện đại luôn chỉ rõ: làm xong nhà chưa nên vào ở ngay (vì vật liệu đang còn mới, có một số chất độc trong sơn vôi, gỗ hay đá phải một thời gian sau mới bay hơi hết - hình 2), hoặc trồng cây trong nhà nên chăm bón và theo dõi hằng ngày, tránh trang trí, mua sắm đồ đạc theo lối lấp đầy cho xong.

Cần kiên trì chọn lựa những vật dụng phù hợp với không gian sống của mình, đôi khi chỉ là một chiếc ghế gỗ, một chậu cây nhỏ nhưng có nhiều chắt lọc và tinh tế. Ta có thể thấy ngôi nhà truyền thống của cha ông ít đặt nặng đến vấn đề “phô trương mặt tiền” như hiện nay mà chủ trương hài hòa thiên nhiên, đồng bộ với cảnh quan và ẩn náu vào thiên nhiên cũng như cộng đồng cư dân chung quanh (hình 3). Một vài sai lầm sau đây cũng liên quan đến thiếu chữ Nhẫn trong thái độ của gia chủ khi trang hoàng nhà cửa:


- Treo gương không đúng cách: gương (kính thủy) hướng vào giường ngủ, vào bàn làm việc, vào các không gian riêng tư trong khi mục đích chính của gương là để phản chiếu Xung sát, nhà ở không phải là tiệm vàng hay tiệm hớt tóc.

- Dùng tranh - ảnh - tượng không phù hợp: Quá nhiều tranh ảnh, chủ đề lộn xộn, không phân biệt chính phụ, nội dung tranh ảnh không phù hợp và gây tác động tâm lý xấu. Ví dụ trong hình 4: một phòng khách đạt được sự đơn giản, ít rườm rà cần phải  có thời gian sử dụng, cân nhắc để biết đặt để cái gì, loại bỏ cái gì không cần thiết.


- Vật dụng thiếu tương thích: vật dụng có thể đắt tiền nhưng lại không phù hợp, như đặt quá nhiều máy móc thiết bị trong không gian ngủ, để xe cộ lẫn vào nơi sinh hoạt.

- Dùng quá nhiều đèn và đặt đèn sai lệch: đèn là nguồn năng lượng Dương cho ban đêm, nếu không đủ sáng hoặc ngược lai, thừa sáng, sẽ ảnh hưởng đến thị giác và tâm lý người cư ngụ. Nếu mua đèn tràn lan, thiếu kiểm nghiệm qua thực tế sử dụng thì sẽ lãng phí, tốn năng lượng và ảnh hưởng xấu về phong thủy.

Bài: KTS Hà Anh Tuấn
Ảnh: Nguyễn Hưng
Theo Thanh Niên tuần san

.