.

Chuyên gia Savills nói về... ngõ ở Hà Nội

Xuất bản: 19:00 31/12/1969 [GMT+7]

Theo Pháp luật TP HCM

Hội thảo Ngõ Hà Nội: Nhân chứng của quá trình đô thị hóa thủ đô Việt Nam vừa diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp - L’Espace.






Bằng một nghiên cứu công phu, TS Phạm Thái Sơn - chuyên gia quy hoạch đô thị, chuyên viên tư vấn cao cấp của Savills Vietnam đã đưa ra một cái nhìn rất riêng về ngõ Hà Nội và con người trong ngõ.

Môi trường sống còn thiệt thòi

Ông đã thực hiện đề tài của mình như thế nào?

Tôi chọn ra ba khu vực mang đặc trưng của các hình thái ngõ gắn với các khoảng thời gian của Hà Nội, bao gồm các ngõ khu vực Văn Chương (hình thành trước năm 1986), Giáp Bát (sau 1986) và Yên Sở (thành phường từ 2004). Sau đó, tôi sử dụng các bảng câu hỏi để khảo sát, đồng thời kết hợp cả phỏng vấn sâu. Trong các câu chuyện về ngõ, tôi quan tâm nhất là cuộc sống của người trong ngõ, mức độ hưởng thụ và độ hài lòng của họ về những gì được tiếp cận.

Kết quả ra sao, thưa ông?

Có hơn 400 bảng khảo sát được tôi và các cộng sự phát ra, kết quả là đại đa số hài lòng với những gì được tiếp cận. Tuy nhiên, sự hài lòng của họ lại là kết quả của sự tự thích nghi với môi trường sống chứ không phải là do chất lượng dịch vụ hay các điều kiện được cung cấp.

Rất nhiều người thừa nhận những thiệt thòi trong cuộc sống như tình trạng thiếu nước sinh hoạt, môi trường, không gian sống chật chội… Nhưng họ chấp nhận điều đó như một thói quen với suy nghĩ đấy là khó khăn chung. Từ đó, họ có lựa chọn các giải pháp thay thế tự thân. Việc cơi nới nhà cửa, chiếm dụng không gian công cộng cũng là kết quả của sự lựa chọn thiên về tự thân đó.

Những hình ảnh thế này trong ngõ nhỏ luôn tạo nên một cảm giác yên bình. Ảnh: V.Thịnh


Người trong ngõ đang dần xa nhau

Ngõ ngách ở Hà Nội ở đâu cũng thấy nhưng để nghiên cứu về nó một cách cụ thể như ông thì đây là lần đầu tiên. Tại sao ông lại chọn ngõ Hà Nội làm đề tài nghiên cứu?

Tôi từng sống một thời gian trong các con ngõ nhỏ của Hà Nội. Thú thật trong giai đoạn đầu, suy nghĩ của tôi về ngõ Hà Nội không được tích cực cho lắm nhưng càng đi sâu vào nghiên cứu thì quan niệm của tôi đã thay đổi hoàn toàn. Đến giờ tôi cho rằng cần phải bảo tồn ngõ một cách xứng đáng.

Nhiều người nhận xét ngõ không chỉ là một lối đi mà còn là không gian sinh hoạt cộng đồng của người dân…

Đó chính là một trong những lý do khiến tôi thay đổi suy nghĩ về ngõ. Những con ngõ nhỏ ở Hà Nội đã tạo ra không gian giao tiếp cộng đồng lý thú của nhiều người trong khu vực. Hình ảnh những người đàn ông đánh cờ, những người phụ nữ trò chuyện bên hàng nước luôn tạo ra một cảm giác yên bình. Đáng tiếc là không gian cộng đồng đó đang ngày càng bị thu hẹp.

Tại sao vậy, thưa ông?

Có người hỏi tôi có phải vì không gian ngõ ngày xưa hẹp hơn nên người ta xích lại gần nhau hơn, tính cộng đồng cũng đậm đặc hơn không. Tôi trả lời, độ xa gần về khoảng cách không phải là yếu tố mấu chốt tạo nên tính cộng đồng. Có thể do giờ đây mức sống cao hơn, cuộc sống tất bật hơn nên con người thu mình lại và khó gần nhau hơn.

Đừng để sự xô bồ hiện diện trong ngõ

Ông thu được gì qua nghiên cứu của mình?

Kết quả lớn nhất chính là sự thay đổi trong suy nghĩ bản thân về ngõ. Theo tôi, ngõ và tính cộng đồng trong ngõ là một nét độc đáo của Hà Nội, cần phải giữ gìn. Hà Nội đã xuất hiện nhiều khu nhà cao tầng, cao to hơn, sạch sẽ hơn nhưng ở đó không gian cộng đồng với các hoạt động sống và giao lưu lại rất hạn chế. Và các khu cao tầng đó cũng không nên được coi là giải pháp thay thế cho các khu ngõ về cả khía cạnh không gian lẫn ý nghĩa văn hóa, xã hội.

Theo ông, cần có giải pháp gì để ngõ Hà Nội vẫn giữ được nét đẹp riêng?

Khảo sát của tôi cho thấy có đến khoảng 90% ngõ ở Hà Nội có chiều rộng dưới 4 m, thậm chí có nhiều con ngõ chỉ khoảng 1 m. Như thế thì điều kiện sống của người dân khó được đảm bảo. Theo tôi, trước tiên cần cải tạo không gian sống trong các khu ngõ. Nơi nào nhếch nhác quá thì thực hiện chỉnh trang đô thị. Nơi nào không gian sống đang tốt thì cố gắng duy trì, cương quyết không để sự xô bồ, nhếch nhác mượn danh “đô thị hóa” lan tới.

Dù áp dụng biện pháp nào thì trước tiên cần tạo được sự đồng thuận của người dân. Ví dụ, nếu người dân chủ động tham gia “xua đuổi” sự xô bồ ra khỏi nơi mình sống thì hiệu quả đạt được sẽ lớn hơn nhiều so với các mệnh lệnh hành chính.

Xin cảm ơn ông.

Tác giả: Viết Thịnh

.