.

Tranh cãi quanh báo cáo của Bộ Xây dựng

Xuất bản: 19:00 31/12/1969 [GMT+7]

Theo Báo Đất Việt

Theo TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc đưa ra các con số tùy theo mục đích. Lúc cần thì nói hay, khi không cần lại nói lỗ.




>> Bất động sản "cắt lỗ" hay giảm lãi chỉ DN biết

Phủ nhận con số 80% doanh nghiệp xây dựng, bất động sản có lãi, Bộ xây dựng khẳng định năm 2012 số doanh nghiệp lỗ ở mức cao là 30,4%. Như vậy 69,6% số doanh nghiệp còn lại có lãi (hoặc hòa).

Xung quanh câu chuyện này, giới chuyên môn cho rằng thật khó để tin các con số khi chỉ đơn giản là doanh nghiệp báo cáo lên.

Lỗ, lãi tùy vào lúc cần thiết

Theo ông Đỗ Đức Duy, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ Xây dựng, trong năm 2012, số doanh nghiệp ngành xây dựng có lãi là 37.197; số doanh nghiệp thua lỗ là 17.000, tăng hơn 2.000 doanh nghiệp thua lỗ so với năm 2011.

Doanh nghiệp ngành xây dựng thua lỗ gia tăng mạnh trong các năm 2011 và 2012. Năm 2011 có 14.998/48.733 doanh nghiệp thua lỗ (30,8%) và năm 2012 có 17.000/55.870 doanh nghiệp thua lỗ (30,4%).

Ông Duy cũng nhấn mạnh, đây là số liệu do các doanh nghiệp báo cáo, chưa qua kiểm toán nên chưa thể phản ánh hết thực trạng thua lỗ thực tế của các doanh nghiệp trong ngành xây dựng.

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tỏ ra không tin vào các con số.

Theo TS Hồ, trước đây và hiện nay nhiều con số đưa ra không đủ tính tin cậy, không chỉ riêng con số của Tổng cục thống kê mà ngay cả con số của các bộ ngành, doanh nghiệp, tập đoàn đều rất buồn cười. Hôm nay nói thế này mai nói thế kia, lúc nói lỗ, lúc nói lãi. Thay đổi rất nhanh mà lại không khớp.

Chỉ ra lý do của sự khập khiễng này, TS Hồ cho rằng, phong cách báo cáo lâu nay nhiều doanh nghiệp đưa ra con số mỗi báo cáo một kiểu theo tính toán khác nhau.

“Có nhiều lý do. Thứ nhất Bộ Xây dựng không nắm chắc được thông tin. Các doanh nghiệp bất động sản không phải bộ quản được hết mà phải qua nhiều khâu trung gian (như ngân hàng, thuế…). Thứ hai, việc đưa ra các con số lúc cần thì nói hay, khi không cần lại nói lỗ. Tùy theo mục đích. Ví dụ khi cần trả nợ hay đóng thuế thì nói lỗ, nâng giá nhưng để khen thưởng, tăng lương thì nói lãi. Hai lý do này đan xen vào nhau không thể phân biệt được đâu là chính”, TS Hồ phân tích.

Theo TS Hồ, thực trạng này không riêng gì bất động sản mà tất cả các tập đoàn đều thế kể cả EVN, than – khoáng sản…

“Làm xiếc” trên các con số

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh đồng tình với hiện tượng ‘làm xiếc’ trên các con số của các doanh nghiệp.

“Hiện có một sự tràn lan làm quyết toán tại các doanh nghiệp. Một bản dùng để đi vay tiền ngân hàng, một bản bảo cáo thuế và một cái là của nội bộ với nhau. Trong ba bản quyết toán này chỉ có bản nội bộ là chuẩn nhưng không ai có thể ‘chạm’ vào được bản quyết toán ‘nói thật’ này”, ông Bùi Trinh nói.
 
Bàn tới những con số vĩ mô từ báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội do Tổng cục Thống kê công bố mới đây về GDP và chỉ số ước tính cho năm 2012 chuyên gia Bùi Trinh cho rằng có nghịch lý ở đây.

Ông dẫn giải, trong 3 năm kể từ 2010 – 2012, có một nghịch lý là chỉ số GDP (tổng sản phẩm quốc nội) luôn cao hơn chỉ số giá CPI (chỉ số giá tiêu dùng) bình quân. Năm 2010 chỉ số giá CPI bình quân là 9,2% thì chỉ số giá GDP là gần 12%; năm 2011 chỉ số giá CPI bình quân là 18,6% thì chỉ số GDP xấp xỉ 21% và năm 2012 chỉ số GDP cao hơn CPI bình quân cũng gần 2 điểm phần trăm.

“Điều này có thể giải thích tốc độ tăng giá của các nguyên vật liệu đầu vào luôn cao hơn tốc độ tăng giá của chi phí lưu thông hoặc người sản xuất đang phải bán sản phẩm dưới giá thành và chịu lỗ.

PGS.TS Phạm Quốc Trung, giảng viên kinh tế vĩ mô, Trường Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, sự tăng trưởng kinh tế rất nhầm lẫn giữa số liệu thực và số liệu tài chính. Hiện thông tin chủ yếu dựa vào mặt tài chính. “Hãy nhìn con số thống kê dưới giá trị thực của nó chứ không phải là giá trị ảo, giá trị tài chính”, TS Trung nói.

Theo TS Lưu Bích Hồ, để chính phủ thực sự có được con số chuẩn cần một lộ trình rất dài khi toàn bộ các giao dịch thông qua ngân hàng. Chỉ có như thế mới nắm được đầu vào, đầu ra. Tuy nhiên, theo TS Hồ, đây là một bước dài và cần có sự chuẩn bị công phu bởi các nước tiên tiến đã thực hiện được điều này.

Tác giả: Bích Ngọc

.