.

Phó chủ tịch Cengroup: Đầu tư 10 dự án, thất bại 1 sẽ... tay trắng

Xuất bản: 21:06 12/10/2016 [GMT+7]

"Khi gặp khó khăn, thất bại thì điều đầu tiên tôi làm là bằng mọi cách duy trì niềm tin của khách hàng và đối tác rồi sau đó tìm cách khôi phục lại vấn đề kinh tế", ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Cengroup cho biết.

Ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Cengroup.
Ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Cengroup.
Là một lãnh đạo của một trong những doanh nghiệp phân phối dự án bất động sản lớn tại Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về diễn biến của thị trường bất động sản thời gian qua và triển vọng trong thời gian tới?

Sau thời gian dài gặp khó khăn, thị trường bất động sản đã có sự phục hồi tương đối tốt, từ khoảng cuối 2014 - đầu 2015.

Trong khoảng 2 năm vừa qua thị trường đã duy trì được mức tiêu thụ tương đối ổn định, về giá cũng không có sự tăng đột biến, cá biệt có một số dự án tăng trưởng tốt.

Tuy nhiên, đến khoảng quý III/2016 do nguồn cung tăng nhanh nên thị trường sẽ gặp khó khăn hơn về mặt tiêu thụ. Nhiều dự án đã phải tung ra nhiều chiêu khuyến mãi và biện pháp kích cầu hơn.

Còn về thị trường bất động sản thời gian tới, theo tôi tới đây thị trường sẽ có những điều chỉnh nhẹ, đặc biệt về cơ cấu sản phẩm.

Cụ thể là những phân khúc trung và cao cấp sẽ gặp khó khăn nhiều hơn, trong khi phân khúc trung bình và giá rẻ sẽ vẫn tiếp tục được khách hàng đón nhận. Vì vậy nên có những điều chỉnh.

Tuy nhiên, quá trình điều chỉnh sẽ không nhanh, vì tại Việt Nam quá trình chỉnh sửa thay đổi lại thiết kế gặp phải rất nhiều vấn đề về thủ tục và thậm chí là không thể thực hiện được, chứ không chỉ là mất thời gian.

Chúng ta sẽ phải dùng những biện pháp về tài chính, khuyến mãi hoặc kích cầu để lượng hàng trôi đi được. Những chủ đầu tư của các dự án mới sắp chào bán ra thị trường cần phải cẩn thận, tìm ra được những khe hở thị trường, đi vào những phân khúc mà thị trường còn thiếu thốn mới có thể cạnh tranh được với nguồn cung lớn hiện nay.

Như ông vừa nói, tại Việt Nam quá trình chỉnh sửa thay đổi lại thiết kế nói riêng và một số vấn đề khác nói chung gặp phải rất nhiều vấn đề về thủ tục. Mới đây Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 35 nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, doanh nhân. Ông có kỳ vọng những thay đổi này sẽ giúp ích cho các doanh nghiệp bất động sản?

Tôi nghĩ rằng riêng cách tiếp cận của nghị quyết này đã cho thấy Chính phủ có cái nhìn rất đổi mới và tích cực đối với doanh nhân và doanh nghiệp. Bên cạnh việc trong nghị quyết đề cập đến kinh tế tư nhân như một động lực của nền kinh tế thì những động thái cụ thể này làm cho doanh nhân chúng tôi ít nhất là về mặt tinh thần được khích lệ và cảm thấy được tôn vinh, đánh giá, nhìn nhận như một thành phần quan trọng của nền kinh tế.

Điều đó cũng tạo ra một động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng, còn việc cụ thể hóa những chủ trương, chính sách này chúng tôi cũng nhìn nhận đó như những động thái tích cực.

Riêng việc thay đổi tư duy về doanh nghiệp, doanh nhân đã là những cải cách. Từ đây, mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước ban hành các quy định, các văn bản pháp luật hay các cơ quan thực thi pháp luật hoặc tiến hành các giám sát nghiệp vụ với các doanh nghiệp cũng sẽ có sự bình đẳng hơn; quan hệ trở thành quan hệ đối tác chứ không phải quan hệ đối kháng nữa.

Điều này cũng tạo động lực để các doanh nghiệp có những bước đột phá, tận dụng được hết các năng lực và cảm thấy yên tâm trong mở rộng quy mô sản xuất hoặc tăng cường hoạt động đầu tư.

Cùng với tinh thần Nghị quyết 35, Thủ tướng cũng hướng Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp? Ông nhận thấy cơ hội cho những người muốn khởi nghiệp ở Việt Nam thời điểm này như thế nào?

Có tinh thần khởi nghiệp là rất hay. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó hiện nay nhiều người đang đồng hóa khởi nghiệp và lập nghiệp.

Tôi cho rằng để trở thành một quốc gia khởi nghiệp thì tính chất sáng tạo rất quan trọng, phải thừa nhận những mô hình kinh doanh mới, cách thức kinh doanh mới.

Chúng ta có thể thấy rất nhiều cách thức kinh doanh mới ở nước ngoài đưa về Việt Nam áp dụng gặp phải rất nhiều rào cản do hệ thống quản lý của Việt Nam hiện nay chưa  đáp ứng được.

Chẳng hạn như khi Google, Uber vào Việt Nam chúng ta phải mất một thời gian dài để giải quyết các vấn đề về thuế, vì không biết nên áp họ vào loại hình kinh doanh gì và thu thuế kiểu gì.

Rõ ràng những lĩnh vực kinh doanh khởi nghiệp, đặc biệt thường liên quan đến công nghệ, startup trong một lĩnh vực mới chứ không chỉ là tạo ra một doanh nghiệp mới. Doanh nghiệp mới nhưng kinh doanh một loại hình cũ thì không hẳn gọi là khởi nghiệp mà nên gọi là lập nghiệp.

Trong số hơn 80.000 doanh nghiệp thành lập mới trong năm qua có thể nói thực sự chưa có nhiều doanh nghiệp có yếu tố khởi nghiệp, còn lập nghiệp thì tất nhiên rồi vì họ lập doanh nghiệp có nghĩa được gọi là lập nghiệp nhưng đó vẫn chỉ là những mô hình kinh doanh chưa có yếu tố mới.

Chúng ta cần những sự đổi mới về cách làm, về sản phẩm về thị trường hoặc cách thức phân phối sản phẩm đến khách hàng,…

Tôi thấy rằng yếu tố này cần được khuyến khích nhiều hơn và chúng ta nên có sự ưu đãi không chỉ cho những doanh nghiệp thành lập mới, cũng không chỉ hoàn toàn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nếu chúng ta cứ tiếp tục phân biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ để giúp thì các doanh nghiệp nhỏ cứ muốn nhỏ mãi để được giúp. Tội gì không nhỏ, không yếu để được giúp.

Chúng ta không nên phân biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ với doanh nghiệp lớn, miễn là họ có ý tưởng kinh doanh tốt, miễn là họ là một doanh nghiệp mới cần được giúp đỡ trong một vài năm đầu tiên để khuyến khích họ làm, sau đó nếu họ cứ nhỏ mãi thì họ phải tự chịu, còn nếu đã lớn lên rồi thì đó là điều đáng mừng.

Ông có nhắn nhủ gì với các bạn trẻ về việc họ nên khởi nghiệp như thế nào và vượt qua khó khăn ra sao?

Theo tôi ý tưởng về sản phẩm phải rõ ràng. Tất cả mọi vấn đề đều xuất phát từ ý tưởng sản phẩm và ý tưởng đó phải xuất phát từ nhu cầu của khách hàng, Nếu chúng ta nắm bắt được điều đó thì ý tưởng đó sẽ có khả năng thành công cao.

Tiếp theo, sản phẩm đó có gì mới không, nếu sản phẩm cứ như thế thì chúng ta có cách làm gì mới hay không, khác hơn không, tiết kiệm hơn, nhanh hơn không… thì chúng ta mới có khả năng cạnh tranh được.

Yếu tố về năng lực cạnh tranh của cá nhân cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng phải xác định rõ ràng.

Có ý chí thôi chưa đủ, các bạn trẻ thường rất nhiệt tình rất năng động, thường thấy tấm gương của những doanh nghiệp thành công rồi cũng đầy hào hứng nên rất mạnh dạn lập nghiệp, khởi nghiệp tuy nhiên nếu không có được sự nhìn nhận và tư vấn sát thực thì rất có thể sẽ vấp ngã ngay những bước đi đầu tiên. Sau đó lại có tư tưởng thoái trào, tiêu cực, cứ thấy lập nghiệp là tai nạn.

Chúng ta cũng thấy rằng có tới 70-80% doanh nghiệp thất bại trong hai năm đầu tiên, tức là vượt qua giai đoạn này rất quan trọng. Cho nên cần có những tổ chức hướng dẫn tư vấn hỗ trợ để phong trào khởi nghiệp phát triển ổn định.

Tôi thấy trong 1-2 năm vừa qua đã có khá nhiều chương trình hỗ trợ khởi nghiệp. Bản thân tôi cũng là một ủy viên trung ương của hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam, chúng tôi cũng tham gia vào phong trào này và thấy rằng thành lập những trung tâm khởi nghiệp là rất cần thiết trong đó những doanh nhân thành đạt rồi có thể hướng dẫn cho lớp đàn em đi sau, thẩm định ý tưởng và hỗ trợ những biện pháp.

Còn câu chuyện vốn, địa điểm là chuyện nhỏ. Mặc dù mọi người dường như nhìn đó là khó khăn nhưng tôi lại nhìn cho rằng chỉ cần ý tưởng của các bạn tốt thì không thiếu gì những người mang tiền đến cho các bạn, không thiếu gì những người cho các bạn mượn không đất để làm.

Theo tôi, các bạn cần có những cách thức tư duy thực sự mới mẻ và sáng tạo, nếu không sẽ gặp phải cạnh tranh, gặp phải những “cá sấu” trên thị trường vốn dĩ đã rất lớn và sẵn sàng nuốt chửng các bạn ngay lập tức chỉ bằng những chiêu thức khuyến mãi nhẹ nhàng và các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể chết ngay vì không đủ tiềm lực để theo.

Bản thân ông đã vượt qua những thất bại trong sự nghiệp như thế nào?
Chắc chắn trong quá trình lập nghiệp bất cứ ai cũng không thể tránh khỏi những thất bại. Vấn đề chính của tôi là hơi mất cân đối một chút về các danh mục đầu tư và tính thanh khoản.
Do từng lạc quan rằng thị trường bất động sản luôn luôn còn lên nữa nên tôi đã dồn tiền đầu tư lớn vào các dự án mà không đủ tính thanh khoản hoặc gặp vấn đề về pháp lý.
Đối với bất động sản nếu chúng ta đầu tư vào 10 dự án nhưng chỉ cần thất bại một dự án thôi thì sẽ về tay trắng ngay nên cũng phải rất cẩn trọng.
Khi gặp khó khăn tôi luôn quan niệm rằng nếu chúng ta còn khách hàng, còn niềm tin của đối tác, chúng ta còn thành công.
Bởi vậy, khi gặp khó khăn thì điều đầu tiên tôi làm là bằng mọi cách duy trì niềm tin của khách hàng và đối tác rồi sau đó tìm cách khôi phục lại vấn đề kinh tế.
Còn nếu chúng ta buông tay ngay lập tức hoặc không giữ được những niềm tin, lời hứa với khách hàng với đối tác thì sau này khó có khả năng khôi phục lại.
Theo Bizlive
Đọc nhiều nhất
DOANH NGHIỆP
NHÌN RA THẾ GIỚI
Cho thuê homestay
Liên kết hữu ích
.