.

Hé lộ thân thế 'khủng' của chủ mới Summit Building Trần Duy Hưng

Xuất bản: 04:41 18/11/2019 [GMT+7]

Trái chủ lô trái phiếu không được CTCP Veracity tiết lộ danh tính, nhưng nhiều khả năng có liên quan tới một định chế tài chính.

CTCP Veracity vừa công bố phát hành thành công 1.135 tỷ đồng trái phiếu. Đây là số trái phiếu không chuyển đổi, có tài sản bảo đảm, kỳ hạn 18 tháng. Lãi suất kỳ đầu tiên tối thiểu bằng 11,75%/năm, các kỳ lãi suất tiếp theo được tính bằng lãi suất cơ sở (+) tối thiểu 4,25%/năm.   

Toàn bộ lô trái phiếu này đã được mua bởi nhà đầu tư tổ chức không tiết lộ danh tính. Ngoài ra, Veracity cũng không công bố chi tiết về tài sản đảm bảo, mục này trong bản công bố thông tin này chỉ đề vỏn vẹn: "Tài sản bảo đảm chi tiết theo thỏa thuận với nhà đầu tư tại hợp đồng đặt mua trái phiếu".

Tìm hiểu của PV, CTCP Veracity tiền thân là CTCP Khai khoáng Phương Minh Đăng, được thành lập vào ngày 9/10/2017, ngành nghề kinh doanh chính là khai thác đá, cát, sỏi, đất sét.

Vốn điều lệ lúc sơ khởi của doanh nghiệp là 20 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm: CTCP Khai thác Nhà Hà Nội (90%), Phạm Quang Thảo (5%) và Nguyễn Viết Ngọc (5%).

Một tháng sau (tức ngày 24/11/2017), doanh nghiệp đổi tên thành Công ty TNHH Veracity. Cơ cấu cổ đông theo đó thay đổi thành: Nguyễn Hải Lưu (60%), Phạm Quang Thảo (5%) và Nguyễn Viết Ngọc (35%).

Khoảng một năm sau (cụ thể tháng 10/2018), 3 cổ đông nói trên tiếp tục góp vốn để nâng mức vốn điều lệ của Veracity từ 20 tỷ lên 290 tỷ đồng. Kể từ thời điểm này, cơ cấu cổ đông Veracity không còn được công bố.

Cách đây ba tháng (cụ thể ngày 21/8/2019), giới địa ốc Hà Nội từng xôn xao khi Veracity được UBND TP.Hà Nội cho phép nhận chuyển nhượng toàn bộ dự án Nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại - Summit Building (vị trí tại thửa B, khu đất số 216 đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) từ Liên danh Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội và Công ty TNHH Thương mại đầu tư bất động sản 216).  

Đây là dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 791,8 tỷ đồng, tiến độ thực hiện dự án từ quý IV/2016 - quý IV/2019. Về quy mô dự án, diện tích xây dựng công trình khoảng 1.185 m2; Tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 52.217,5 m2 (gồm tổng diện tích sàn tầng hầm khoảng 10.690 m2, tổng diện tích sàn xây dựng công trình khoảng 41.527,5 m2; không bao gồm diện tích tum thang khoảng 352 m2).

Cái tên nào đứng sau Veracity?

Theo tìm hiểu của phóng viên, ông Nguyễn Hải Lưu hiện vẫn nắm 60% cổ phần Veracity. Ngoài ra, ông Nguyễn Anh Tiến, người đại diện theo pháp luật, kiêm Giám đốc Veracity đang nắm 35% vốn công ty.

Hiện tại, ông Tiến đang đứng tên cho một số doanh nghiệp như CTCP Giải pháp Tòa nhà thông minh, CTCP Beverages Việt Nam, trong đó đáng chú ý là cái tên CTCP Khoáng sản Tây Giang Bắc Kạn.

Cụ thể, doanh nghiệp này thành lập vào ngày 24/7/2014 với vốn điều lệ ban đầu 100 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm: CTCP Tập đoàn công nghiệp Tây Giang (85%), Ngô Hồng Hải (10%) và Đồng Quang Huy (5%).

Trong đó, cổ đông lớn nhất CTCP Tập đoàn công nghiệp Tây Giang ít nhiều liên quan tới một định chế tài chính đã được Nhadautu.vn đề cập trong một số bài viết trước đây.  

Đáng chú ý hơn, định chế tài chính này là nguồn tín dụng quen thuộc với chính Veracity và các lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp. Dữ liệu cho thấy trong cùng ngày 20/9/2019, Veracity đã cầm cố dự án Nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại- Summit Building tại ngân hàng này. Trong khi đó, ông Nguyễn Hải Lưu và Nguyễn Anh Tiến cũng đã thế chấp toàn bộ cổ phần Veracity đang sở hữu.  

Với những động thái này, không loại trừ khả năng trái chủ lô trái phiếu 1.135 tỷ đồng của Veracity chính là định chế tài chính nói trên.

Suy luận này càng có cơ sở khi các đơn vị tổ chức đại lý phát hành, đại lý lưu ký, quản lý chuyển nhượng, quản lý trái phiếu và quản lý tài sản đảm bảo là ngân hàng này và bên liên quan.

Theo Tạp chí điện tử Nhà đầu tư

Đọc nhiều nhất
DOANH NGHIỆP
NHÌN RA THẾ GIỚI
Cho thuê homestay
.